Nhận định về tiềm năng của thị trường TMĐT Việt Nam, Google-Temasek cho biết Việt Nam hiện là thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 40% và dự kiến sẽ là thị trường lớn thứ hai khu vực vào năm 2025. Trong khi iPrice Group, trong bản báo cáo Toàn cảnh TMĐT khu vực Đông Nam Á năm 2018, đã xếp hạng mười trang thương mại điện tử có lượng truy cập cao nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2018, kết quả là có đến năm trong số này là các công ty hiện đang có mặt tại Việt Nam theo thứ tự là các nhà bán lẻ trực tuyến Lazada, Shopee, Tiki, Thegioididong và Sendo.
Nếu như Lazada và Shopee là các tập đoàn đa quốc gia nên việc họ nắm giữ hai vị trí dẫn đầu không gây nhiều ngạc nhiên thì sự xuất hiện của Tiki, Thegioididong và Sendo là minh chứng rõ rệt cho quy mô của TMĐT Việt Nam. Cụ thể, ba sàn TMĐT này dù chỉ hoạt động trong phạm vi thị trường Việt Nam nhưng vẫn nằm trong danh sách tốp 10 khu vực; thậm chí còn vượt trên cả tập đoàn JD của Trung Quốc hiện đã có mặt ở thị trường Indonesia và Thái Lan.
Với một quốc gia có đến 53% dân số sử dụng Internet và gần 50 triệu khách thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, thị trường TMĐT ở Việt Nam được dự đoán sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam rất lớn.
Ứng dụng công nghệ thời 4.0 là xu hướng tất yếu
Các doanh nghiệp TMĐT sở hữu những giao dịch, những hoạt động được lưu lại trên hệ thống là nguồn dữ liệu lớn cực kỳ vô giá, nếu như tận dụng được, sẽ giúp họ thấu hiểu được về người dùng, khách hàng để không ngừng nâng cao hiệu suất, trải nghiệm, những dữ liệu mang tính dự báo xu hướng. Kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) trong các quy trình xử lý thông tin, tương tác với khách hàng sẽ giúp tự động hóa được những công việc mang tính lặp đi lặp lại, tối ưu quy trình và nâng cao hiệu suất công việc. Xu hướng ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) vào TMĐT cũng góp phần tăng cao trải nghiệm người dùng, cũng là từ khóa chính trong những năm trở lại đây trên thế giới, những gì giúp tăng cường trải nghiệm khách hàng đều góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Kinh doanh TMĐT là một xu thế không thể cưỡng lại được. Các cửa hàng bán lẻ từ xưa tới nay đã “quen” kinh doanh truyền thống đang phải đứng trước sự chọn lựa hoặc phát triển thêm kênh trực tuyến, hoặc nhìn những đối thủ nhỏ hơn, mới hơn vượt qua. Với số dân gần 100 triệu người đa phần trong độ tuổi trẻ, Việt Nam luôn nằm trong nhóm thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, xếp thứ 6 trong chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu. Tăng trưởng doanh thu bán lẻ trực tuyến của Việt Nam cũng đang duy trì ở mức 25-30%/năm. Trong khoảng 3-5 năm tới, cục diện kinh doanh TMĐT sẽ thay đổi khá mạnh mẽ về mọi mặt từ tiếp thị, thanh toán trực tuyến, vận chuyển, các kênh bán hàng online sẽ được chú trọng hơn, đồng thời tăng cường áp dụng các ứng dụng công nghệ tân tiến như chatbot, dữ liệu lớn, thực tế ảo... để phục vụ kinh doanh hiệu quả.